PHẦN MỞ ĐẦU

1. Bối cảnh của đề tài

Phường Đại Nài là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, trước đây là một đơn vị hành chính cơ sở thuộc huyện Thạch Hà cho đến năm 1989 được sáp nhập vào thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh) và được lên phường vào năm 2004.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, Đảng bộ và Nhân dân  phường luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội ổn định và tiếp tục phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị luôn được củng cố, kiện toàn, năm 2020 phường được công nhận phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

 Trong những năm qua, UBND thành phố Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư chỉnh trang, xây dựng cơ sở hạ tầng, tuy nhiên việc tận dụng các cơ chế hỗ trợ trên địa bàn phường Đại Nài vẫn chưa đạt kết quả cao, chưa đồng bộ. Huy động nguồn lực sự chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của phường, nhận thức và sự tham gia xây dựng hạ tầng đô thị của một số bộ phận người dân còn hạn chế.

2. Lý do chọn đề tài

Nắm vững quan điểm Cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Nhân dân là chủ, Nhân dân làm chủ. Động lực thúc đẩy phong trào Nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của Nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; Muốn đạt được các mục tiêu nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị và đặc biệt là trong công tác huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn phường, trên hết phải dựa vào sự đoàn kết và ủng hộ của Nhân dân.

Xác định cơ sở hạ tầng thiết yếu giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và nhiệm vụ xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị, cấp ủy Đảng, chính quyền đã thường xuyên chỉ đạo các cán bộ, công chức chuyên môn phối hợp với các tổ dân phố tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn tại từng tổ dân phố, từ đó tham mưu cho phường trong xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện việc huy động nguồn lực, đảm bảo hoàn thành các công trình mục tiêu đã đề ra hằng năm. Trong đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phường luôn quan tâm tới việc đầu tư xây dựng các công trình về giao thông, thủy lợi. Trong gần hai năm trở lại đây, nhiều tuyến đường, ngõ tại các tổ dân phố đã được nhựa hóa, thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, buôn bán của người dân. Các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng được cải tạo, nâng cấp, xây mới phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được trong công tác huy động nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng cơ sở hạ tầng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như sau: Vẫn còn có cán bộ, công chức chưa thường xuyên quan tâm đến công tác huy động nguồn lực xã hội hóa, có lúc, có nơi còn biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, đôi khi thực hiện chưa hết chức trách, nhiệm vụ được giao, chưa nắm được nội dung và chú tâm làm tốt công tác dân vận; Một bộ phận Nhân dân còn có tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa cố gắng vươn lên; Công tác huy động nguồn lực chưa được đồng đều ở các tổ dân phố, chưa khơi dậy hết sức dân để xây dựng phường VMĐT kiểu mẫu.

Để thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ phường Đại Nài nhiệm kỳ 2020-2025 về xây dựng phường văn minh đô thị kiểu mẫu, là một công chức Tài chính kế toán tôi rất quan tâm đến công tác huy động nguồn lực xã hội hóa trong nhân dân. Xuất phát từ thực tiễn làm việc và có tính định hướng lâu dài tôi chọn đề tài “ Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác huy động nguồn lực xã hội hóa về xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn phường Đại Nài”.

3. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu

Về thời gian: các số liệu được thu thập giai đoạn năm 2022 và đề xuất giải pháp trong thời gian tiếp theo.

Về không gian: được nghiên cứu trên địa bàn phường Đại Nài -TP.Hà Tĩnh.

Về đối tượng nghiên cứu: đề tài tập trung nghiên cứu công tác huy động nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng các công trình chương trình mục tiêu: Thảm nhựa đường giao thông, mương thoát bẩn, nhà hội quán tổ dân phố…góp phần xây dựng phường đạt văn minh đô thị kiểu mẫu.

4. Mục đích nghiên cứu

Đánh giá đúng thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân của việc chưa đạt kết quả cao trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn phường. Chỉ ra những kinh nghiệm và đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu công tác quả vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng của phường Đại Nài – thành phố Hà Tĩnh.

5. Điểm mới trong kết quả nghiên cứu

Đề tài chủ yếu nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả công tác huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn tại phường Đại Nài do đó bản tôi đã sử dụng phương pháp khảo sát, tổng hợp, phân tích, kết hợp giữa thực tế và lý luận chung trong lĩnh vực về huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương; Tiến hành thu thập thông tin, tự nghiên cứu và tìm hiểu các đơn vị xã, phường khác trên địa bàn thành phố để đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng phường Đại Nài.

PHẦN NỘI DUNG

1. Cơ sở lý luận

1.1. Khái quát chung

Theo Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16/4/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của  xã, phường, thị trấn, thị trấn; Quyết định 37/2019/QĐ-UBND ngày 26/6/2019 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc ban hành Quy định về quy trình tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Việc tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn bao gồm: các dự án giao thông, trường học, trạm xá xã, các công trình văn hóa thể thao, hệ thống cấp nước sạch, hệ thống thoát nước, kênh mương nội đồng, công trình điện và các công trình công ích khác.

1.2. Một số nội dung cơ bản về công tác tổ chức huy động đóng góp

Về đối tượng huy động đóng góp tự nguyện: Là các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước tự nguyện đóng góp vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn.

Về nguyên tắc huy động và quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện:

     - Việc huy động vốn từ cộng đồng dân cư phải thực hiện trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, được sự đồng tình, nhất trí của người dân, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương.

     - Phương thức huy động, mức huy động phải căn cứ vào thu nhập bình quân của người dân và do nhân dân trên địa bàn bàn bạc, quyết định. Không được yêu cầu nhân dân đóng góp bắt buộc hoặc đóng góp quá sức dân; không được quy định mức đóng góp tối thiểu, tối đa, bình quân. Việc miễn, giảm cho các đối tượng chính sách, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do người dân trên địa bàn bàn bạc, quyết định.

     - Việc tổ chức huy động nguồn đóng góp của nhân dân chỉ được thực hiện khi dự án đã được phê duyệt theo quy định; vốn huy động đóng góp để đầu tư xây dựng các dự án phải được sử dụng đúng mục đích, huy động cho dự án nào phải đầu tư trực tiếp cho dự án đó; nhu cầu vốn huy động trong nhân dân được tính trên cơ sở tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

     - Khi dự án hoàn thành được quyết toán, sau khi cân đối các nguồn vốn (ngân sách nhà nước, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, viện trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài; nguồn vốn hợp pháp khác), nếu kinh phí huy đông đóng góp xây dựng dự án không sử dụng hết, Chủ đầu tư phải bàn bạc xin ý  kiến của cộng đồng dân cư nơi có dự án để thống nhất phương án giải quyết.

     - Đối với nguồn vốn huy động bằng hiện vật và ngày công lao động thi khi dự án hoàn thành, căn cứ đơn giá hiện vật và giá trị ngày công lao động để hạch toán vào giá trị dự án để theo dõi, quản lý, không hạch toán vào thu, chi ngân sách nhà nước.

     - Tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện không vì lợi nhuận, lợi ích cá nhân hoặc có đòi hỏi nào khác về quyền lợi trái với quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời có các hình thức ghi nhận tương xứng với mức đóng góp của các tổ chức, cá nhân.

      Về quy trình vận động các khoản đóng góp của nhân dân về xây dựng cơ sở hạ tầng:

Thứ nhất, khi có nhu cầu đầu tư xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng thuộc cấp xã quản lý cần huy động sự đóng góp của người dân, UBND cấp xã tổ chức rà soát, xác định sơ bộ quy mô đầu tư, tổng nhu cầu vốn, dự kiến cân đối các nguồn vốn bố trí cho dự án, trong đó có dự kiến phần vốn huy động đóng góp của Nhân dân, tổ chức lấy ý kiến của người dân trên địa bàn về chủ trương đầu tư dự án. 

Thứ hai, UBND xã chủ trì phối hợp với Mặt trận tổ quốc xã tổ chức cuộc họp dân (hoặc chủ hộ) từng thôn (đối với huy động đầu tư xây dựng trường học thì mời thêm Hội phụ huynh) để thảo luận, bàn và thống nhất về: Chủ trương đầu tư, nội dung huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng của cấp xã, mức huy động, đối tượng miễn, giảm, mức giảm nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ ba, căn cứ dự án được duyệt, đối tượng, mức huy động đã được thống nhất, chủ tịch UBND xã chỉ đạo Trưởng thôn phối hợp với Tiểu ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp thông báo cho nhân dân biết về thời gian đóng góp, địa điểm đóng góp, mức đóng góp, các trường hợp miễn giảm và mức giảm trước khi tổ chức huy động.

Thứ tư, UBND xã chủ trì phối hợp với trưởng thôn và các đơn vị liên quan để tổ chức thu các khoản huy động đóng góp theo đúng trình tự thực hiện theo quy định.

Thứ năm, thực hiện quản lý và sử dụng: Sau khi dự án đầu tư được phê duyệt, UBND cấp xã có trách nhiệm: Thành lập ban quản lý dự án theo quy định hoặc thuê tổ chức đủ điều kiện để tổ chức quản lý dự án. Thành lập Ban giám sát đầu tư của cộng đồng để giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân; giám sát quá trình thi công, nghiệm thu, bàn giao và quyết toán công trình theo đúng quy định và thông báo kịp thời cho cấp có thẩm quyền để xử lý đối với những hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cấp xã.

Thứ sáu, tổ chức nghiệm thu, bàn giao dự án đầu tư xây dựng.

     (Trường hợp nhân dân trong phạm vi một thôn hoặc một cộng đồn dân cư của xã, thị trấn tự nguyện đứng ra tổ chức huy động, tự quản lý việc đầu tư xây dựng dự án phục vụ trực tiếp cho lợi ích của cộng đồng dân cư (dự án 100% vốn huy động đóng góp), trước khi thực hiện xây dựng dự án phải báo cáo UBND xã để được hướng dẫn việc lập hồ sơ xây dựng đúng quy hoạch, dự toán dự án đầu tư, thanh quyết toán dự án, thực hiện công khai tài chính.)

2. Thực trạng của vấn đề

2.1. Kết quả thực hiện huy động đóng góp nhân dân

Công tác vận động nhân dân chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân nói chung và trên địa bàn phường Đại Nài nói riêng.

Quy chế dân chủ cơ sở thực hiện đã phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân trong giám sát và tham gia xây dựng chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương. Thực hiện chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, hằng năm phường đã xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với tình hình, nhiệm vụ chính trị, tổ chức lồng ghép trong các cuộc họp dân; Xây dựng và thực hiện công khai minh bạch nhiều nội dung liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, bằng nhiều hình thức như thông qua phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở, tổ dân phố giúp cho người dân hiểu rõ và đồng lòng hơn với các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. UBND phường đã phối hợp Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể trong công tác vận động nhân dân để xây dựng các công trình, chương trình mục tiêu trên địa bàn phường.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, sự nhất trí, phối hợp của MTTQ và các đoàn thể, sự vào cuộc quyết liệt UBND và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân địa phương mà công tác huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có nhiều kết quả, bộ mặt đô thị của phường Đại Nài đã có nhiều thay đổi: các tuyến đường chính, ngõ phố được nâng cấp, chỉnh trang trở nên khang trang, đẹp đẽ, nhiều nhà văn hóa được công nhận nhà văn hóa mẫu, ý thức trách nhiệm của người dân được nâng cao, đặc biệt là sự tin tưởng, ủng hộ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương ngày càng được nâng lên. Cụ thể năm 2022, về công tác huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình mục tiêu trên địa bàn đã đạt được các kết quả như sau:

  1. Kết quả huy động đóng góp xây dựng các công trình mục tiêu năm 2022

ĐVT: nghìn đồng

STT

Tên công trình

Khối lượng thực hiện (m2)

Tổng mức đầu tư

Trong đó

Ghi chú

Ngân sách TP, phường

Huy động đóng góp nhân dân

1

Đường giao thông năm 2022

1.712

348.130

203.156

144.974

 

2

Mương thoát bẩn năm 2022

334

279.390

158.240

121.150

 

3

Thảm nhựa đường giao thông TDP3,4

2.587

542.280

335.415

206.865

 

4

Thảm nhựa đường giao thông TDP5,6

2.110

442.269

292.980

149.289

 

5

Thảm nhựa đường giao thông TDP3,5

2.041

407.615

219.683

187.932

 

TỔNG CỘNG

 

2.019.684

1.209.474

810.210

 

         

(Nguồn: Báo cáo quyết toán chi XDCB phường Đại Nài năm 2022)

  1. Kết quả về tình hình huy động, vận động tài trợ và các nguồn xã hội hóa khác trong xây dựng chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa, xây dựng đô thị văn minh,... tại các tổ dân phố năm 2022

ĐVT: triệu đồng

STT

Tổ dân phố

Vận động tài trợ nâng cấp chỉnh trang khuôn viên, nhà văn hóa, mua sắm CSVC

Vận động tài trợ làm đường điện chiếu sáng, các công trình xây dựng VMĐT

Đóng góp bằng hiến đất, tài sản GPMB thi công các CTMT (quy đổi)

Huy động nhân công làm VSMT, xây dựng VMĐT (quy đổi)

Tổng cộng

1

TDP 2

23

35

540

170

767

2

TDP 3

100

18

448

193

759

3

TDP 4

90

 

25

112

227

4

TDP 5

20

 

125

202

372

5

TDP 6

3

 

150

136

289

6

TDP 7

12

7

36

116

171

7

TDP 8

 

 

298

119

417

8

TDP 10

10

30

114

100

254

Tổng cộng

 

 

 

 

3.256

 

(Nguồn: Số liệu cung cấp của các tổ dân phố năm 2022)

 

2.2. Thực trạng về quá trình thực hiện huy động đóng góp nhân dân

Những năm qua, HĐND thành phố Hà Tĩnh đã ban hành nhiều nghị quyết về một số cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn như: Nghị quyết 106/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của HĐND thành phố về việc tiếp tục thực hiện một số cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn theo Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 27/12/2018, Nghị quyết số 62/NQ-HĐND ngày 20/12/2019 của HĐND thành phố; Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 04/8/2021 về ban hành một số cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2023; Nghị quyết số: 29/NQ-HĐND ngày 28/12/2021 về một số cơ chế hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố; Nghị quyết số: 35/NQ-HĐND ngày 12/07/2022 về việc bổ sung một số nội dung Nghị quyết: 29/NQ-HĐND ngày 28/12/2021 của HĐND thành phố Hà Tĩnh.

Xác định cơ sở hạ tầng thiết yếu giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị, đồng thời tận dụng tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ của cấp trên trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Ngay từ đầu năm, căn cứ vào tình hình kế hoạch thực hiện về xây dựng các công trình mục tiêu, kế hoạch xây dựng tổ dân phố mẫu, nhà văn hóa mẫu và nhiệm vụ xây dựng phường VMĐT, UBND phường đã chỉ đạo công chức chuyên môn phụ trách trên các lĩnh vực xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện; Phân công các công chức chuyên môn bám sát địa bàn tổ dân phố để triển khai kịp thời các nhiệm vụ, trong đó có công tác huy động nguồn lực ở các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, người dân ở trên địa bàn.

Sau khi kế hoạch, dự toán xây dựng các công trình mục tiêu được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thì lãnh đạo UBND phường và các cán bộ công chức đã trực tiếp tổ chức các buổi làm việc với liên đoàn cán bộ tổ dân phố, tham gia các cuộc họp dân tại các tổ dân phố nhằm triển khai nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cùng với liên đoàn cán bộ các TDP trong quá trình tổ chức thực hiện huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng các công trình mục tiêu trên địa bàn và xã hội hóa đóng góp trong xây dựng chỉnh trang cơ sở vật chất tại các TDP.

Phối hợp tốt với UBMTTQ và các đoàn thể, tại các buổi họp dân đã tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương, cũng như các chính sách hỗ trợ về huy động nguồn lực để nhân dân biết, hiểu và nắm được. Việc tuyên truyền, động viên sự tham gia huy động đóng góp của nhân cũng đã được lồng ghép và khéo léo đưa vào các buổi hội thi, nói chuyện chuyên đề, qua hệ thống truyền thanh và phát động các phong trào thi đua ở tổ dân phố.

Phát huy cao vai trò làm chủ của nhân dân trong quá trình tổ chức xây dựng các công trình có đóng góp huy động của nhân dân. UBND phường đã thành lập ban giám sát đầu tư của cộng đồng để giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân về đầu tư xây dựng các công trình; giám sát quá trình thi công, nghiệm thu, bàn giao và quyết toán công trình theo đúng quy định, đúng mục đích và đảm bảo hiệu quả; phát hiện và thông báo kịp thời cho UBND phường để xử lý đối với những hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, việc mỗi tổ dân phố, nơi có các công trình được xây dựng cũng đã cử ra người đại diện để giám sát các như trên ở tại tổ dân phố mình đã góp phần nên sự thành công trong quá trình thực hiện huy động đóng góp nguồn lực và triển khai xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng đảm bảo chất lượng trên địa bàn phường.

Sau khi hoàn thành xây dựng các công trình mục tiêu có kinh phí huy động đóng góp của Nhân dân,  UBND phường đã phối hợp với đơn vị thi công, đại diện liên đoàn các tổ dân phố tiến hành nghiệm thu, thực hiện lập báo cáo quyết toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định. Tiến hành công khai cụ thể kết quả huy động, kết quả sử dụng nguồn huy động đến cho từng tổ dân phố thông qua các cuộc họp và niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường, tại nhà văn hóa các tổ dân phố.

Thực hiện nghiêm túc công khai, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn đóng góp của nhân dân. Xác định rõ nguồn lực cần huy động; xây dựng phương án tổ chức họp Nhân dân và đưa ra các giải pháp để huy động thực hiện các công trình có đóng góp của Nhân dân một cách công khai dân chủ; giao cho Nhân dân lựa chọn phương án thi công nhằm giảm mức đóng góp của Nhân dân nên đã tạo được lòng tin trong Nhân dân, không để lại nợ xây dựng cơ bản, các công trình hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng đồng thời góp phần hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội – An ninh quốc phòng của địa phương.

 Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác vận động xã hội hóa nguồn lực của chính quyền phường Đại Nài còn tồn tại những hạn chế như sau:

+ Công tác tuyên truyền vận động có lúc, có nơi chưa được tập trung cao, vẫn còn có cán bộ, công chức, liên đoàn cán bộ tổ dân phố chưa thường xuyên còn biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, đôi khi thực hiện chưa hết chức trách, nhiệm vụ được giao, chưa nắm được nội dung và chưa hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác huy động nhân dân.

+ Chưa phát huy hết nội lực trong nhân dân để có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa phục vụ cho nhân dân ở địa bàn tổ dân phố.

+ Địa bàn phường còn có 6/8 tổ dân phố sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên việc huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng còn gặp nhiều hạn chế.

+ Chưa có nhiều hình thức huy động nguồn lực, sự đóng góp hỗ trợ của các cơ quan doanh nghiệp còn ít chưa tương xứng.

Qua rà soát, xác định thực trạng cơ sở hạ tầng của phường hiện nay còn nhiều tồn tại, chưa được chỉnh trang ảnh hưởng đến bộ mặt cảnh quan và nhu cầu của người dân, cụ thể:

+ Còn nhiều tuyến đường ngõ phố chưa được thảm nhựa hóa tại một số tổ dân phố như tổ dân phố 7, tổ dân phố 8, tổ dân phố 10.

+ Các tuyến mương ở hai bên đường giao thông, mương thoát bẩn khu dân cư, mương thủy lợi, đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp đã xuống cấp làm ảnh hưởng quá trình tiêu thoát nước, giao thông đi lại khi mùa mưa bão đến cũng như quá trình phát triển sản xuất nông của nhân dân trên địa bàn.

3. Các giải pháp đã tiến hành để giải quyết vấn đề

       3.1. Kịp thời nắm bắt cơ chế, chính sách của tỉnh, của thành phố và quy định hiện hành để đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng

Hằng năm, HĐND tỉnh và thành phố đều ban hành các Nghị quyết để hỗ trợ công tác đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố, mỗi một cơ chế chính sách đều có những hiệu lực thời gian thực hiện khác nhau. Vì vậy để hưởng được các cơ chế chính sách này, chính quyền địa phương phải kịp thời nắm bắt, xây dựng kế hoạch về đầu tư các công trình mục tiêu gắn với lợi ích trực tiếp của nhân dân, như làm đường giao thông trục, ngõ phố, thảm nhựa nóng các tuyến đường, lát vỉa hè, làm mương thoát bẩn, nhà hội quán, đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở. Kịp thời tuyên truyền các cơ chế hỗ trợ đến nhân dân để người dân biết và nắm bắt thời cơ, thời điểm được hỗ trợ.

3.2. Khảo sát, xây dựng kế hoạch triển khai các công trình mục tiêu sát với thực tế, lập dự toán, phương án huy động chính xác phù hợp với từng địa bàn dân cư. Thực hiện công khai tài chính đúng quy định.

 Xác định các công trình cụ thể, tính toán các hạng mục đầu tư đảm bảo chính xác là bước tiên quyết quan trọng đối việc hoàn thành kế hoạch xây dựng các công trình mục tiêu có phần kinh phí huy động đóng góp của nhân dân.

Trên cơ sở định mức hỗ trợ của ngân sách thành phố, UBND phường và liên đoàn cán bộ các tổ dân phối hợp việc khảo sát, đo đạc, lên phương án cho các công trình cụ thể: Thảm nhựa đường giao thông, Mương thoát bẩn, Lát vỉa hè đường giao thông….để việc tổ chức họp dân, lấy ý kiến của nhân dân về mức huy động đóng góp, hình thức tổ chức thi công công trình được thực hiện nhanh chóng và thành công. Cần có chương trình hành động cụ thể để làm cho nhân dân hiểu và nhận thấy được tầm quan trọng của việc chỉnh trang, xây dựng cơ sở hạ tầng trong đời sống kinh tế xã hội.

Song song với quá trình thực hiện xây dựng các công trình, cần phải tuân thủ đúng quy định về quy trình các bước huy động kinh phí. Kịp thời công khai cụ thể kết quả huy động và sử dụng nguồn kinh phí huy động để cho nhân dân được biết.

3.3. Tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, sự phối hợp giữa UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể với chính quyền trong công tác vận động nhân dân

 Điều kiện tiên quyết trong thực hiện tất cả các nhiệm vụ chính trị chung của địa phương là sự thống nhất trong chỉ đạo và điều hành, trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Bởi vậy, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị góp phần tạo khối đoàn kết để hoàn thành mục tiêu xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị kiểu mẫu cũng như việc huy động đóng góp xây dựng các công trình mục tiêu đã đề ra hằng năm. Nhằm phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân cần thực hiện và làm tốt công tác dân vận chính quyền. Đội ngũ cán bộ công chức phường cần phải nêu gương trong thực hiện công tác dân vận nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; Nâng cao hơn nữa trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân, thực hiện phong cách "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, "nghe dân nói, nói dân hiểu, hướng dẫn dân làm, làm dân tin” và phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả”, tạo mọi cơ hội để dân phát huy quyền làm chủ của mình.

3.4. Xây dựng các chương trình, kế hoạch để tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn

Các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn là một phần động lực phát triển của địa phương. Sự phát triển về số lượng và quy mô của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là một trong những thước đo đánh giá sự phát triển kinh tế của địa phương. Vì vậy sự đồng hành, ủng hộ của họ về tinh thần và vật chất đã góp một phần trong tạo nên sự thành công của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác huy động nguồn lực chỉnh trang, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị kiểu mẫu.

Quá trình để tranh thủ sự chung tay hỗ trợ của các doanh nghiệp, phường cần xây dựng các kế hoạch, chương trình cụ thể về công tác đầu tư xây dựng các công trình cũng như việc thực hiện các hoạt động, phong trào chung của địa phương để các cơ quan, doanh nghiệp hiểu và nắm rõ hơn. Có các báo cáo kết quả về quá trình thực hiện huy động, vận động hằng năm trong triển khai thực hiện việc huy động, vận động. Đồng thời phải biểu dương, khen thưởng và quan tâm kịp thời đối với những đầu tư, đóng góp, tài trợ mà các cơ quan đơn vị đã dành cho phường.

          3.5. Coi trọng công tác kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm, xây dựng mô hình và biểu dương các tập thể, cá nhân trong công tác huy động nguồn lực xã hội hóa.

      Việc kiểm tra, giám sát, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương gương người tốt, việc tốt đối với các tập thể, cá nhân trong công tác huy động nguồn lực xã hội hóa là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Là sự nhìn nhận, đánh giá lại tất cả các quá trình triển khai thực hiện nhằm chỉ ra những cái được và chưa được để rút ra những kinh nghiệm và bài học về công tác huy động nguồn lực xã hội hóa cho địa phương, góp phần tạo điều kiện để hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ trong những năm tiếp theo.

     Cấp ủy, chính quyền cũng cần tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động công tác vận động huy động nhân dân thường xuyên, thực hiện giám sát các nội dung và hình thức triển khai để phát hiện, uốn nắn, nhắc nhở kịp thời, phát hiện, nhân rộng các mô hình, điển hình trong việc xã hội hóa các nguồn lực tại các tổ dân phố để thực hiện các phong trào thi đua, xây dựng phường văn minh đô thị trên địa bàn.

4. Hiệu quả mang lại của đề tài

Thực hiện tốt công tác xã hội hóa nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm xây dựng cảnh quan, phát triển bộ mặt đô thị của địa phương. Đây là điều kiện đảm bảo để Nhân dân mở rộng sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ nhằm nâng cao đời sống, chất lượng cuộc sống. Các công trình công ích công cộng (như nhà văn hóa tổ dân phố, tiểu công viên..) được xây dựng tạo các điểm vui chơi, giải trí, nâng cao sức khỏe cho Nhân dân.

Sự vào cuộc của nhân dân trong huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm giảm bớt gánh nặng cho đầu tư công của Nhà nước.

Hiệu quả của công tác vận động nhân dân đóng góp xã hội hóa nguồn lực là thước đo sự đồng lòng, đoàn kết, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn đối với cấp ủy chính quyền. Góp phần xây dựng phường Đại Nài về đích phường văn minh đô thị kiểu mẫu trong năm tới.

5. Khả năng ứng dụng và triển khai

Nâng cao hiệu quả trong công tác xã hội hóa nguồn lực trong nhân dân để được coi là giải pháp tổng hợp, thể hiện rõ nhất qua vai trò người dân trong tham gia giám sát các hoạt động và xây dựng chính quyền, cơ quan nhà nước các cấp; Qua quá trình triển khai thực hiện, việc huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của phường Đại Nài bước đầu đạt được hiệu quả, nhiều công trình xây dựng mục tiêu hoàn thành nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, bộ mặt đô thị của phường ngày càng khởi sắc. Khẳng định việc áp dụng các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác huy động nguồn lực xã hội hóa trên sẽ tiếp tục được triển khai và phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Đề tài được tìm hiểu, thu thập số liệu, tổng hợp, phân tích và nghiên cứu trên phạm vi phường Đại Nài và có khả năng ứng dụng và triển khai trên địa bàn các xã phường khác.

6. Ý nghĩa của đề tài

Phát huy hiệu quả trong công tác huy động nguồn lực xã hội hóa là tạo sự đoàn kết nội bộ trong hệ thống chính trị địa phương và toàn thể Nhân dân cùng nhau chung tay xây dựng địa phương giàu đẹp, văn minh, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Góp phần giúp phường Đại Nài hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng hàng năm và đẩy nhanh tiến độ về đích xây dựng phường văn minh kiểu mẫu.

Thông qua công tác dân vận chính quyền, Nhân dân hiểu rõ bản chất tốt đẹp của Nhà nước của dân, do dân, vì dân, tạo niềm tin trong Nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Cán bộ, công chức chính là cầu nối thắt chặt quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, làm cho quan hệ đó ngày càng gắn bó, mật thiết. Cán bộ chính quyền trực tiếp tiếp xúc với Nhân dân nên nắm bắt và thấu hiểu những nguyên vọng chính đáng của Nhân dân, từ đó có những phương án tham mưu cho cấp trên để đưa ra những quyết sách đúng đắn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân, công tác dân vận chính quyền thực hiện tốt sẽ tạo sự đồng thuận của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

 

PHẦN KẾT LUẬN

1. Bài học kinh nghiệm

Để công tác huy động nguồn lực xã hội hóa đạt kết quả cao và đồng bộ trên địa bàn, qua quá trình thực hiện phường Đại Nài đúc rút một số kinh nghiệm thực tiễn như sau:

Cần nắm bắt và tận dụng cơ chế hỗ trợ, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trong thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng.

Cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ công chức, các tổ chức đoàn thể về công tác huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng nói riêng và trong công tác dân vận nói chung.

Tăng cường công tác phối hợp giữa UBND với các tổ chức chính trị xã hội trong công tác vận động nhân dân.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở để nhân dân được bàn bạc, lựa chọn và quyết định về mức huy động và công trình cần huy động. Huy động đóng góp ở mức độ nào là vừa đủ, là không quá sức dân vừa không làm mất đi quyền tham gia đóng góp xây dựng của các chủ thể, vừa không trái với chủ trương không huy động dân đóng góp bắt buộc; đồng thời, bảo đảm nguyên tắc không được ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Khi triển khai xây dựng công trình lựa phương án thi công tiết kiệm nhất để giảm mức đóng góp của nhân dan tạo điều kiện để nhiều người dân tham gia, đã dạng hóa các hình thức vận đông

Sử dụng hợp lý, linh hoạt các nguồn lực trong và ngoài ngân sách để
đầu tư đúng định hướng, đúng mục tiêu. Khai thác mạnh hơn, vào cuộc hơn đối với huy động xã hội hóa đối với các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn phường.

Thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng nguồn xã hội hóa. Sau khi công trình hoàn thành, tiến hành công khai kịp thời, đầy đủ kết quả huy động và sử dụng nguồn huy động để cho Nhân dân biết, làm cho dân thấy, dân tin vào sự lãnh đạo của chính quyền.

Thường xuyên có sự giám sát, kiểm tra, phát huy vai trò của Thanh tra nhân dân trong sử dụng nguồn huy động.

Cấp ủy chính quyền cần thường xuyên tổ chức họp, sơ kết đánh giá kết quả đạt được, xác định những tồn tại, hạn chế, đồng thời chỉ ra phương hướng khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

2. Những kiến nghị, đề xuất

Đại Nài là địa phương có xuất phát điểm thấp hơn so với nhiều địa
phương khác của Thành phố, nhất là kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, xuống cấp đặc biệt hệ thống đường giao thông, các trường học, trạm y tế. Trong điều kiện đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn vì phần lớn sản xuất nông nghiệp, kinh doanh sản xuất nhỏ, vì vậy việc huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng kết cấu hạ tầng tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, tuy nhiên để đáp ứng các tiêu chí phường văn minh đô thị kiểu mẫu, cần có sự quan tâm, đầu từ ngân sách Nhà nước. Để khích lệ sự ủng hộ đồng lòng góp sức từ nhân dân, kính đề nghị tỉnh, thành phố tiếp tục có cơ chế hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, điều tiết kinh phí, để đồng hành cùng nhân dân trong xây dựng đô thị văn minh kiểu mẫu, phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Trên đây là toàn bộ đề tài nghiên cứu:” Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn phường Đại Nài” kính trình Hội đồng xét, công nhận sáng kiến phường và Thành phố xem xét, đánh giá./.

 

 

TÁC GIẢ ĐỀ TÀI

 

 

 

Nguyễn Thanh Loan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nghị định 24/1999 ngày 16/4/1999 của Chính phủ về việc Ban hành quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp, tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của xã,  thị trấn.
  2. Thông tư số 19/2005/TT-BTC ngày 11/3/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc công khai tài chính đối với các quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của Nhân dân;
  3. Quyết định số 37/QĐ-UBND ngày 26/6/2019 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc ban hành quy định về quy trình tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
  4. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường Đại Nài nhiệm kỳ 2020-2025
  5. Các nghị quyết của HĐND thành phố về cơ chế hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh từ năm 2020 đến nay./

 

 

                                                               

 

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 293.155
    Online: 49
    ipv6 ready