PHẦN MỞ ĐẦU

I.  Bối cảnh của vấn đề nghiên cứu:

Ngày nay, trước xu thế toàn cầu hóa về kinh tế và văn hóa, cải cách hành chính trở thành một nhiệm vụ tất yếu, nhằm xây dựng một nền hành chính nhà nước hiện đại, năng động hiệu quả, giảm phiền hà, một nền hành chính lấy đối tượng phục vụ người dân làm tôn chỉ, mục đích, để từ đó xây dựng, phát triển và hoàn thiện nền hành chính. Ở Việt Nam, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta đã chỉ rõ sự cần thiết phải tiến hành cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính nói riêng là một cuộc cách mạng, coi đây là một giải pháp quan trọng góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Chúng ta đã tiến hành cải cách hành chính từng bước thận trọng và đã thu được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30c/NQ-CP về chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 với nhiều nội dung: Cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính, trong đó cải cách thủ tục hành chính là một khâu quan trọng và được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu của tiến trình cải cách. Thủ tục hành chính không chỉ liên quan đến công việc nội bộ của một cơ quan, một cấp chính quyền, mà còn đến các tổ chức và công dân trong mối quan hệ với Nhà nước. Các quyền, nghĩa vụ của công dân được thực hiện hay không, thực hiện như thế nào đều phải thông qua thủ tục hành chính do các cơ quan, các cấp chính quyền nhà nước quy định và trực tiếp giải quyết. Cải cách thủ tục hành chính là nhằm tạo ra bước chuyển căn bản trong quan hệ và thủ tục giải quyết công việc giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa các cơ quan nhà nước với tổ chức xã hội và giữa các cơ quan nhà nước với công dân, doanh nghiệp. Cùng với yêu cầu phát triển và hội nhập, cải cách thủ tục hành chính ở nước ta từng bước được định hình về nội dung, phương hướng triển khai với những bước đi, cách làm nhằm bảo đảm bộ máy hành chính phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

II. Lý do chọn vấn đề nghiên cứu:

Cải cách thủ tục hành chính là một nội dung của cải cách hành chính, nhưng là nội dung phản ánh rõ nhất mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, đồng thời là nội dung có nhiều bức xúc nhất của người dân, cũng như có nhiều yêu cầu đổi mới trong quá trình hội nhập. Trong điều kiện nguồn lực còn nhiều khó khăn nên chưa thể cùng một lúc thực hiện được nhiều nội dung cải cách như: cải cách tài chính công, cải cách tiền lương, cải cách tổ chức bộ máy,… thông qua cải cách thủ tục hành chính, chúng ta có thể xác định căn bản các công việc của cơ quan nhà nước với người dân; qua đó chúng ta có thể xây dựng bộ máy phù hợp và từ đó có thể lựa chọn đội ngũ cán bộ, công chức hợp lý, đáp ứng được yêu cầu công việc. Như vậy, có thể coi cải cách thủ tục hành chính là tiền đề để thực hiện các nội dung cải cách khác như: nâng cao chất lượng thể chế; nâng cao trình độ, thay đổi thói quen, cách làm, nếp nghĩ của cán bộ, công chức; phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ giải quyết công việc của người dân.

Cải cách thủ tục hành chính có tác động to lớn đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua việc cải cách thủ tục hành chính sẽ gỡ bỏ những rào cản về thủ tục hành chính đối với đời sống của người dân, giúp cắt giảm chi phí và rủi ro của người dân trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Sau khi đơn giản hóa được thủ tục hành chính sẽ cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục hành chính mà xã hội phải gánh chịu, chi phí tiết kiệm được sẽ tái phân bổ vào các hoạt động phục vụ việc đầu tư, tạo việc làm, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam nói chung và các bộ, ngành, địa phương nói riêng trước cộng đồng trong nước và quốc tế, nâng cao vị trí xếp hạng của Việt Nam về tính minh bạch, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Đây là những giá trị vô hình nhưng có tác động to lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm 2020, tôi được phân công về công tác tại UBND phường Đại Nài đã nhìn thấy nhiều hạn chế trong cải cách hành chính ở địa phương, đặc biệt là công tác chỉ đạo điều hành, giải quyết các thủ tục hành chính, triển khia dịch vu công trực tuyến; chỉ số cải cách hành chính đạt thấp, năm 2019 chỉ đạt 76 điểm, xếp thứ 15/16 đơn vị. Trước tình hình đó, tôi nhận thấy rằng, để thực hiệt tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương cần phải tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đề ra những giải pháp phù hợp góp phần xây dựng phát triển toàn diện chính quyền trong sạch vững mạnh, bền vững nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của địa phương.

III. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu:

Cải cách thủ tục hành chính là việc làm thường xuyên, liên tục của tất cả cơ quan, đơn vị các cấp; là trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức. Do đó cần phải quán triệt đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan tinh thần của cải cách thủ tục hành chính là nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn, nhanh hơn và đúng quy định của pháp luật. Vấn đề này được nghiên cứu trong phạm vi tại Ủy ban nhân dân phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh, góp phần giúp toàn thể cán bộ, công chức nhận thức được ý nghĩa tầm quan trọng cũng như thực hiện tốt công cuộc cải cách thủ tục hành chính.

IV. Mục đích nghiên cứu:

Trong những năm qua, cải cách thủ tục hành chính đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước. Nhưng so với yêu cầu đổi mới hiện nay thì cải cách thủ tục hành chính cần phải được đầu tư và liên tục đổi mới. Mục đích của đề tài nhằm giúp toàn thể cán bộ công chức, nhân viên nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động của Ủy ban. Góp phần từng bước sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, khắc phục dần tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong xử lý công việc; đổi mới việc đào tạo, sử dụng, quản lý cán bộ công chức, nhân viên; chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức; từng bước tin học hóa, hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức nhằm phục vụ công dân một cách hiệu quả nhất.

V. Điểm mới trong kết quả nghiên cứu:

Nâng cao được nhận thức và trách nhiệm của cán bộ công chức, nhân viên về cải cách thủ tục hành chính. Làm tốt cải cách thủ tục hành chính sẽ giúp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; mang lại niềm tin cho nhân dân và cộng đồng. Cải cách thật sự hiệu quả sẽ dễ đi vào cuộc sống, giảm thiểu gánh nặng, khó khăn cho người dân, tạo được niềm tin của người dân đối với chính quyền phường Đại Nài. Đề tài dễ áp dụng, dễ thực hiện đối với mọi đối tượng, mọi nơi không đòi hỏi kinh phí tốn kém. Khai thác tốt năng lực của từng cán bộ công chức, nhân viên sẽ đạt hiệu quả cao.

PHẦN NỘI DUNG

I. Thực trạng của vấn đề:

Trong những năm qua, cải cách thủ tục hành chính ở các cơ quan đơn vị đã mang lại những kết quả tích cực, có nhiều bước tiến rõ rệt. Nhưng tính năng động của nền kinh tế thị trường, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa đòi hỏi thủ tục hành chính, phong cách làm việc của cán bộ công chức trong việc giải quyết các yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân phải đơn giản, nhanh gọn. Chính vì thế, cải cách thủ tục hành chính hay đơn giản hóa thủ tục hành chính vẫn còn nhiều vấn đề nan giải. Thực tế công tác cải cách thủ tục hành chính ở Ủy ban nhân dân phường Đại Nài có những thuận lợi và khó khăn như sau: Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và nhân dân rất quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính, có tinh thần đoàn kết và hợp tác rất tốt. Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công chức nhiệt tình, có năng lực chuyên môn tốt, có ý thức vươn lên hoàn thành nhiệm vụ của mình với tinh thần trách nhiệm cao. Tổ chức bộ máy dần được sắp xếp tinh gọn; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, phục vụ có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính và triển khai nhiệm vụ. Công tác công khai, minh bạch được thực hiện đầy đủ, phát huy tốt dân chủ hóa trong mọi hoạt động của Ủy ban. Tạo được niềm tin của các tổ chức, đoàn thể xã hội và nhân dân địa phương đối với đội ngũ lãnh đạo.

- Khó khăn: Còn một bộ phận cán bộ, công chức do nhận thức về thủ tục mang tính máy móc, quan trọng hóa dẫn đến sự phiền toái xuất hiện trong thủ tục. Thủ tục hành chính phức tạp, trong khu đó inh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của một số công chức chưa cao; Trình độ quản lý, năng lực chuyên môn của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng được nhu cầu xu thế phát triển hiện nay. Công việc in ấn, sao chụp, phát hành văn bản phục vụ công việc quản lý hành chính, hội họp và giao ban bị quá tải và nhiều tốn kém. Chính những vấn đề bức xúc trên thúc đẩy tôi tìm giải pháp thực hiện một cách nhanh chóng nhất, hiệu quả nhất để góp phần cải cách thủ tục hành chính cũng như để chia xẻ cùng đồng nghiệp.

II. Các giải pháp đã tiến hành:

1. Quán triệt chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về cải cách thủ tục hành chính: Quán triệt sâu sắc tinh thần công cuộc cải cách thủ tục hành chính là phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, điều hành của chính quyền. Cải cách thủ tục hành chính phải đồng bộ, không thể tách rời với việc đổi mới và kiện toàn hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng và quản lý nhà nước. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ nâng cao được nhận thức về chủ trương, quan điểm của việc cải cách thủ tục hành chính, để từ đó có ý thức và hành động đúng trong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công chức trong ủy ban theo cơ chế “ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Phải làm cho mọi người thông suốt cải cách thủ tục hành chính không phải là công việc chỉ riêng của các cơ quan nhà nước, bởi vì nó tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực hoạt động của ủy ban. Do vậy, phải huy động cho được toàn bộ đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công chức cùng tham gia, lấy sự hài lòng của người dân và hiệu quả công tác quản lý làm thước đo cho kết quả cải cách.

2. Quán triệt cho cán bộ công chức nắm vững chủ trương, quan điểm cải cách thủ tục hành chính thông qua các văn bản của cấp trên về cải cách hành chính. Triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản của cấp trên về công tác cải cách hành chính; Xây dựng, ban hành và triển khai kịp thời, hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính ở đơn vị; Thực hiện phân công, phân cấp quản lý phù hợp chức năng, nhiệm vụ theo lĩnh vực.

3. Làm tốt công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phối hợp công tác, cộng đồng trách nhiệm trong quản lý hành chính. có kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ đối với cán bộ, công chức để kịp thời nắm bắt thông tin, kiến thức mới, phục vụ cho công tác lãnh đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ.

4.Thực hiện nghiêm túc công khai hóa; đề cao vai trò giám sát của cán bộ, công chức, nhân viên và quần chúng nhân dân. Muốn cải cách thủ tục hành chính thành công phải lấy dân làm gốc, phải hướng vào mục tiêu phục vụ nhân dân, khắc phục mọi phiền hà, sách nhiễu đối với dân. Muốn làm được điều đó, cần tạo sự gần gũi, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, tham gia vào các cuộc đối thoại giữa người dân với cán bộ công chức một cách bình đẳng, nhằm giải quyết thỏa đáng các công việc của người dân. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia giám sát, góp ý, xây dựng về các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã. Xác định mức độ hài lòng của người dân đối với công tác giải quyết các thủ tục hành chính để làm thước đo kết quả cải cách thủ tục hành chính qua các mẫu phiếu thăm dò. Để việc giám sát được dễ dàng, mang lại hiệu quả cao thì cần đẩy mạnh hoạt động công khai của cấp chính quyền phường. Thực hiện công khai nhằm nâng cao tính minh bạch, phát huy dân chủ, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền phường trong quản lý nhà nước và đảm bảo chất lượng phục vụ nhân dân.

5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin:. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin(CNTT) triển khai các phần mềm do thành phố triển khia, mở các ớp tập huấn về công nghệ thông tin, nâng cao trình đô công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm cho cán bộ công chức; đầu tư, nâng cấp mạng nội bộ (mạng LAN), trang sắm đầy đủ máy tính cho cán bộ, công chức; thực hiện việc gửi, trao đổi và xử lý văn bản, giấy tờ hành chính trong cơ quan qua phần mềm HSCV.

6. Siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao văn hóa ứng xủ trong giao tiếp; ban hành quy chế hoạt động của cơ quan, thành lập tổ trực ban theo dõi,đánh giá việc chấp hành của các cán bộ, công chức.

7. Tuyên truyền vận động và triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt phiền hà cho công dân.

8. Gắn cải cách hành chính với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ quan; phát huy sức mạnh tập thể, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện việc giám sát, kiểm tra, đấu tranh với các biểu hiện và hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, tạo sự đồng tình, ủng hộ trong nhân dân. Trong đó, tuyên truyền, phổ biến, đối thoại, công khai, minh bạch kế hoạch, chương trình, nội dung hoạt động cải cách hành chính nhà nước ở địa phương là việc làm rất cần thiết để thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra, về CCHC phải được tiến hành thường xuyên, có thể lặp đi lặp lại ở những lĩnh vực còn nhiều hạn chế, yếu kém nhằm tạo kết quả chuyển biến thực sự và rõ nét về kỷ luật, kỷ cương hành chính, năng lực quản lý, điều hành và chất lượng dịch vụ công.

III. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm:

Qua 02 năm thực hiện nhiệm vụ được giao, trên cơ sở vận dụng các biện pháp trên của đề tài đã góp phần nâng cao trình độ nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức về cải cách thủ tục hành chính; công tác quản lý hành chính của đơn vị thật sự dân chủ, trong sạch, vững mạnh. Nâng cao tinh thần đoàn kết, thống nhất hợp tác cộng đồng trách nhiệm trong tất cả cán bộ, công chức. Thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp tổ chức hoạt động giữa các ngành, đoàn thể cũng như trình độ quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động của lãnh đạo UBND phường. Sau khi triển khai áp dụng, đến nay hầu hết các cán bộ chuyên môn ủy ban đều đã nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý, điều hành, giải quyết công việc; xây dựng nội bộ đoàn kết, tạo được niềm tin đối với người dân. Tiết kiệm không nhỏ về thời gian, công sức, chi phí tốn kém không đáng có của cán bộ công chức cũng như của quần chúng nhân dân. Kết quả rõ rệt nhất là mọi hoạt động của ủy ban đều thông suốt, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Công tác chỉ đạo điều hành của UBND hợp lý, khoa học, phù hợp năng lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ.

PHẦN KẾT LUẬN

I. Bài học kinh nghiệm:

- Phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt; thường xuyên, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của lãnh đạo Đảng ủy - HĐND - UBND phường để công tác cải cách thủ tục hành chính đạt hiệu quả cao.

- Xây dựng kế hoạch đầy đủ, cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương; thường xuyên kiểm tra việc triển khai kế hoạch, chỉ ra những tồn tại hạn chế để khắc pgucj kịp thời.

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm mỗi cán bộ công chức, phải vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của từng người. Phải thật sự năng động nhạy bén trong công việc; mạnh dạn, thẳng thắn trong công tác tham mưu, thỉnh thị với cấp trên.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách thủ tục hành chính, trang sắm đầy đủ trang thiết bị phục vụ cải cách hành chính, ứng dụng các phần mềm trong triển thực hiện nhiệm vụ.

-Tạo môi trường làm việc thoải mái, biến cái khó thành cái dễ để công việc được nhẹ nhàng, trôi chảy.

II. Ý nghĩa của sáng kiến kinh nghiệm:

- Thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính sẽ góp phần quan trọng đảm bảo thông suốt cho mọi hoạt động của ủy ban, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Giúp cho cán bộ công chức nâng cao hiệu suất công việc; giải quyết, xử lý công việc nhanh chóng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của người cán bộ trong tình hình mới.

- Xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất trong mọi hoạt động; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, nhân viên trong đơn vị.

- Tạo công cụ để kiểm soát việc thực thi quyền lực của các bộ phận, ngành đoàn thể, cá nhân trong khối ủy ban.

- Phục vụ tốt nhu cầu xử lý công việc của công dân thuận lợi, nhanh chống.

III. Khả năng ứng dụng triển khai:

Đề tài đã được tổ chức triển khai thực hiện tại Ủy ban nhân dân phường Đại Nài và đã được tất cả cán bộ công chức và ngành đoàn thể ứng dụng thực hiện nhiệm vụ được giao đều đạt năng suất và hiệu quả cao. Kết quả của sáng kiến kinh nghiệm được tất cả các cán bộ, công chức tiếp tục tổ chức thực hiện trong thời gian tới là minh chứng cho khả năng vận dụng vào thực tiễn của đề tài. Đây cũng là những giải pháp cơ bản, hợp lý, đầy tính thực tiễn có thể giới thiệu cho các đơn vị xã phường tham khảo và thực hiện linh hoạt, sáng tạo tùy theo tình hình cụ thể của đơn vị mình để đạt hiệu quả cao nhất.

IV. Kiến nghị đề xuất:

Để đề tài sáng kiến kinh nghiệm dễ dàng ứng dụng, triển khai thực hiện có hiệu quả thì lãnh đạo Đảng ủy – HĐND - UBND cần quan tâm trang bị các phương tiện phục vụ nhu cầu cần thiết để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao kiến thức, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng bộ máy tổ chức hành chính chuyên nghiệp; hiện đại./.

 

XÁC NHẬN CỦA ĐƠN VỊ                            NGƯỜI VIẾT SÁNG KIẾN

                                                                                   

 

                                                                                 Phạm Mạnh Hiền


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 293.235
    Online: 51
    ipv6 ready