I. MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC, THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG PHỔ BIẾN HIỆN NAY
1. Các đối tượng “hack” (chiếm quyền truy cập) các tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...) của người thân quen sau đó nhắn tin mượn tiền, nhờ chuyển khoản hộ... Khi bạn gọi video zalo, Facebook xác minh thì chúng làm cho hình ảnh bị mờ, nhiễu, chất lượng âm thanh không rõ, sau đó tắt máy với lý do mạng yếu, đang bận làm việc... từ đó đánh vào lòng tin của bạn và chiếm đoạt tài sản.
2. Các đối tượng giả mạo người nước ngoài để kết bạn, làm quen, hứa hẹn tặng quà, các vật phẩm có giá trị. Sau đó giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế vụ, bưu điện... yêu cầu bạn chuyển tiền phí dịch vụ để được nhận hàng, bưu phẩm và chiếm đoạt số tiền nói trên.
3. Nhắn tin đến số điện thoại, Zalo, Facebook... của bạn để thông báo bạn đã trúng thưởng tiền mặt số lượng lớn hoặc các phần quà có giá trị cao. Sau đó yêu cầu bạn nộp tiền hoặc truy cập vào các trang Web, đường link, cung cấp tài khoản ngân hàng để đăng ký nhận thưởng. Khi bạn truy cập vào các trang Web, đường link lạ nói trên sẽ bị đánh cắp hết tiền trong tài khoản.
4. Các đối tượng giả danh lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thoại đến và thông báo bạn đang bị điều tra liên quan đến một vụ án từ đó yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tiền để xác minh nếu không sẽ bị khởi tố, bắt giam.
5. Tuyển cộng tác viên bán hàng online để hưởng hoa hồng từ 10-20%, yêu cầu người tham gia phải chuyển tiền trước để mua các đơn hàng sau đó mới thanh toán tiền gốc và lãi. Người tham gia chuyển tiền lần 1, lần 2 sẽ được thanh toán đầy đủ. Tuy nhiên từ lần 3 trở đi khi chuyển số tiền lớn hơn sẽ bị chiếm đoạt.
6. Các đối tượng tạo các ứng dụng (app) vay tiền qua mạng để người có nhu cầu tìm đến, liên hệ. Quá trình làm thủ tục đăng ký hồ sơ khoản vay, các đối tượng sẽ thông báo lỗi giải ngân và yêu cầu người vay phải nộp tiền để xử lý khoản vay; hoặc yêu cầu người vay thanh toán phí hồ sơ, phí bảo hiểm khoản vay sau đó chiếm đoạt số tiền nói trên.
7. Đối tượng giả danh là cán bộ ngân hàng gọi điện thoại thông báo có người chuyển tiền vào tài khoản nhưng bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo ứng dụng chuyển tiền Internet banking trên điện thoại của bạn bị lỗi... yêu cầu bạn phải cung cấp mã số thẻ ngân hàng và mã OTP để kiểm tra hoặc gửi đường link yêu cầu truy cập vào tài khoản từ đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản.
II. MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN CÓ HIỆU QUẢ
1. KHÔNG chuyển tiền cho bất kỳ ai khi chưa xác minh được danh tính người nhận. Khi nhận được tin nhắn từ bạn bè, người thân trên các tài khoản MXH (Zalo, Facebook...) đề nghị vay tiền, nhờ chuyển khoản hộ thì cần trực tiếp xác minh bằng cách gọi trực tiếp vào SĐT để xác thực, kiểm tra thông tin thật kỹ trước khi chuyển tiền.
2. KHÔNG cung cấp bất kỳ nội dung gì liên quan đến thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, đặc biệt là không cung cấp mã OTP tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai. Không đăng nhập vào các đường link, trang Web lạ được gửi tới.
3. KHÔNG kết bạn, làm quen với đối tượng lạ, đối tượng giả danh là người nước ngoài; Cần cảnh giác khi có thông báo gửi quà, vật phẩm, thông báo trúng thưởng. Không chuyển bất cứ khoản chi phí nào để được nhận quà tặng.
4. KHÔNG tham gia vay tiền qua các ứng dụng (APP) cho vay trên mạng; không chuyển bất cứ khoản tiền nào để làm thủ tục vay tiền hoặc chứng minh tài chính trước khi được vay.
5. CẦN liên hệ trực tiếp đến cơ quan Công an hoặc các cơ quan chức năng có liên quan nơi gần nhất để được hướng dẫn, giải đáp khi có cuộc gọi, email lạ với nội dung mang tính đe dọa, bắt bớ hoặc gọi điện để đòi nợ dù không liên quan.
Công an thành phố thông báo và đề nghị các tổ chức, cá nhân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động, tích cực tố giác những hành vi vi phạm pháp luật và cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ số điện thoại trực ban Công an thành phố: 069.292.8600 để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH