Trong thời đại kỷ nguyên số, mạng xã hội phát triển ngày càng mạnh mẽ tạo ra những cơ hội và thách thức trong các lĩnh vực tại mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới trong đó có Việt Nam. Với những ưu thế như tính mở, tính nặc danh, tính siêu kết nối với đặc trưng tự do, đa dạng, bình đẳng, ranh giới giữa thực và ảo bị xóa nhòa, vì vậy không gian mạng mang đến không ít thách thức đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và nó biến thành công cụ đắc lực của các tổ chức phản động lưu vong để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng hiện nay là vấn đề cấp thiết, nhiệm vụ trọng yếu, đòi hỏi lực lượng thực thi nhiệm vụ này trên không gian mạng phải luôn nhận thức đầy đủ tính cấp bách và nghiêm trọng của vấn đề và yêu cầu của nhiệm vụ, xây dựng bản lĩnh, trách nhiệm và quyết tâm cao, góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng trong bối cảnh hiện nay

        Nền tảng tư tưởng của Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam là hệ thống quan điểm, nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường, phương pháp tiến hành cách mạng nhằm giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng dân tộc, giải phóng con người và là cơ sở vững chắc để Đảng đề ra chủ trương, đường lối lãnh đạo, là kim chỉ nam định hướng cho mọi hành động của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn kiện các kỳ Đại hội Đảng ta đều khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta “đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Tuy nhiên, đất nước ta càng đạt được những thành tựu phát triển to lớn, các thế lực thù địch, phản động lại càng hằn học, điên cuồng tìm mọi cách để chống phá. Thời gian qua, hoạt động tấn công chính trị của các thế lực thù địch trên không gian mạng ngày càng nguy hiểm, khó lường với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Mục đích của chúng là từng bước triển khai âm mưu “diễn biến hoà bình”, kích động bạo loạn lật đổ, tiến hành “cuộc cách mạng sắc màu”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với mục đích là làm thay đổi thể chế chính trị ở nước ta. Ngày nay, số lượng người dùng internet ngày càng cao và ở mọi lứa tuổi khác nhau, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng internet, mạng xã hội nhanh nhất thế giới. Theo số liệu thống kê đến tháng 1-2020, trong  gần 96,9 triệu dân cả nước có 68,17 triệu người chiếm 70% dân số dùng internet, cao thứ 12 trên thế giới và thứ 6 châu Á; 65 triệu người chiếm 67% dân số dùng mạng xã hội, Việt Nam đứng thứ 7 trong số 10 quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất và là một trong 10 nước có số người dùng Youtube cao nhất thế giới. Trong đó, 94% người dùng internet hằng ngày là sinh viên, trí thức trẻ, thanh niên. Tận dụng những lợi thế về phạm vi, đối tượng sử dụng không gian mạng nên mỗi ngày, có hàng nghìn tin, bài chống phá được các thế lực thù địch được tung lên các trang mạng xã hội gây nhiễu loạn thông tin, gây ra sự lệch lạc về nhận thức của nhân dân, gia tăng sự bất đồng thuận, kích động những tư tưởng bất mãn, phản kháng, chống đối với Đảng, Nhà nước, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào đất nước, vào vai trò của Đảng.

        Nội dung, bản chất của các quan điểm sai trái, thù địch là tấn công, đả kích trực diện nền tảng tư tưởng của Đảng, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chống phá, xuyên tạc, phủ nhận quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hiện nay, nhất là đường lối đổi mới của Đảng ta. Chúng đồng nhất đổi mới chính trị với thay đổi chế độ chính trị. Phủ nhận, bôi đen những thành tựu; cường điệu, thổi phồng, khoét sâu vào những tiêu cực, khuyết tật, tạo cái nhìn đen tối, bi quan về tình hình đất nước. Bôi nhọ lãnh tụ, xuyên tạc lý lịch, thân thế, sự nghiệp các lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước để đi đến phủ nhận con người, phủ nhận hệ tư tưởng mác xít và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi xóa bỏ sở hữu toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân đồng nhất với tư nhân hóa nền kinh tế, xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Cổ xúy phi chính trị hóa lực lượng vũ trang; phủ nhận bản chất cách mạng và nhân dân của lực lượng vũ trang; chia rẽ quân đội nhân dân và công an nhân dân. Tán dương nền tự do báo chí tư sản, vai trò “quyền lực thứ tư” của báo chí, nhân danh tự do sáng tạo để tách sự lãnh đạo của Đảng khỏi hoạt động báo chí, văn học, nghệ thuật. Thúc đẩy hình thành các tổ chức “xã hội dân sự” trá hình, từ đó cho ra đời các tổ chức đối lập chính trị ở Việt Nam. Tiếp tục lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để chống phá…

        Về hình thức tuyên truyền chống phá, các thế lực thù địch, phản động sử dụng các phương tiện truyền thông, Internet, blog, mạng xã hội, sự dụng hàng chục đài phát thanh chương trình Việt ngữ, hàng trăm báo, tạp chí, nhà xuất bản tiếng Việt, hàng ngàn Website, blog,… để phát tán những thông tin xấu độc, xuyên tạc, chống phá gây tác động xấu đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chúng lập ra nhiều trang web mạo danh các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, một số nhân vật được xã hội chú ý hoặc nhân danh “đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”, “bảo vệ môi trường”, “bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, “phản biện xã hội”, “hiến kế cho Đảng”,… để bình luận, xuyên tạc, hạ thấp uy tín, làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước. Các thế lực thù địch, phản động đưa lên mạng xã hội và Internet những mặt trái của xã hội, khai thác những thông tin tiêu cực, không chính thống, sai trái để hướng lái, dẫn dắt dư luận theo chiều hướng tiêu cực, làm cho người đọc mơ hồ, mất cảnh giác nhằm mục đích tạo nên sự hoài nghi, phản kháng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó, chuyển dần sang tư tưởng sai trái, thù địch, phản động. Chúng xuất bản các ấn phẩm có nội dụng xấu độc; biên soạn nhiều tài liệu, video lồng ghép nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật. Các thế lực thù địch tổ chức viết nhiều tài liệu, “tác phẩm” dưới dạng văn học nhằm vu cáo, bôi nhọ, tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, từ đó nhằm xóa bỏ học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bọn chúng lợi dụng thời điểm có những sự kiện chính trị lớn của Đảng, của đất nước, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, những “điểm nóng” về an ninh, trật tự xã hội trong nước; những biến động lớn của thế giới, nhất là những vấn đề tại các nước đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, có đảng cánh tả cầm quyền để thực hiện các “chiến dịch” cao điểm công kích, chống phá ta ở quy mô lớn.

        Thời kỳ chuyển đổi số mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm những thách thức đối với không riêng lĩnh vực viễn thông. Chưa bao giờ công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng lại diễn ra quyết liệt và cấp bách như hiện nay. Vì vậy, công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch trên không gian mạng có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng. Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng là nhiệm vụ quan trọng và hết sức cấp thiết của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

 

Tài liệu tham khảo:

Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

Thông tin chuyên đề số 6/2021: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng trong tình hình mới, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 267.096
    Online: 4